Hoạt động của ngành công nghiệp in ấn Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định trong kháng chiến chống thực dân Pháp

Trong kháng chiến, ngành in được giao nhiệm vụ rất quan trọng là phải in ấn nhanh chóng, đầy đủ, kịp thời sách báo, tài liệu tuyên truyền, huấn luyện phục vụ đắc lực cho mặt trận tư tưởng, văn hóa. Dù hoạt động công khai hay bí mật, ngành in kháng chiến luôn luôn bị kẻ thù tìm mọi cách phá hoại, tiêu diệt.

Dưới đây, chỉ xin nêu sơ lược một số hoạt động của ngành in trên địa bàn kháng chiến Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định.

Trong hoàn cảnh kháng chiến, các cơ quan tuyên huấn, thông tin, báo chí, xuất bản.. thường tổ chức nhà in riêng hoặc gắn bó chặt chẽ về mặt tổ chức hoạt động với nhà in.

1. Nhà in báo "Cảm tử"

Nửa tháng sau khi Sài Gòn chính thức nổ súng kháng chiến, ngày 9.10.1945, tờ báo Công đoàn, cơ quan của Tổng công đoàn Nam Bộ ra đời. Báo do đồng chí Nguyễn Lưu làm chủ nhiệm, các đồng chí Nguyễn Văn Đắc, thợ in Portail và Lê Đình Thụ (Vũ Hồng) lo việc in báo. Nhà in đặt tại bìa rừng cao su Thủ Đức, Báo in mỗi kỳ 5000 tờ, 3 ngày ra một kỳ, được chở từ Thủ Đức vào Sài Gòn, Gia Định qua đường Gò Vấp bằng xe của hãng Trịnh Hưng Ngẫu, phân phát cho cả nội thành và ngoại ô.

Sau khi ra được 5 số, tờ báo đổi tên là Cảm tử và chuyển nơi in về An Phú Đông (nay thuộc quận 12) do đồng chí Lý Chính Thắng làm chủ nhiệm. Tin tức kháng chiến đối với nhân dân lúc đó rất cần htiết và quý báu nên dù giá báo ghi là 5 hào nhưng có bạn đọc trả 5 đồng, có người tặng luôn 20 đồng. Báo được phát hành bí mật vào nội thành, nhiều khi kẹp vào bên trong tờ Phục Hưng-một tờ báo phản động lúc đó để che mắt địch. Nhiều chiến sĩ phát hành báo bị địch bắt, bắn giết, tra tấn đến tàn phế và tù đày.

Tháng 12.1945, nhà in bị địch tấn công đập phá chỉ còn hơn 30 kg chữ giấu ở vườn mía. Các đồng chí Lê Sĩ, Trần Độ, Xường, Lê Văn .v.v.. sửa lại máy, dời chỗ và mấy hôm sau lại tiếp tục in 4000 tờ/kỳ như cũ. Giặc Pháp tiếp tục càn quét, có ngày 2-3 lần và treo giải thưởng 50.000 đồng Đông Dương cho bọn lính và tay sai nếu tìm được tòa soạn và nhà in.

Có lần dời không kịp, nhà in bị địch phát hiện, đập phá tan tành, đốt cả nhà và máy, rồi chúng tuyên bố đã quét sạch báo Việt Minh. Nhưng chỉ ít ngày sau, với mấy chục kg chữ còn giấu được, anh em lại tiếp tục in báo bằng cách đơn giản: sắp chữ, đóng khuôn rồi dùng bàn chải vỗ in lên giấy không cần máy, mỗi kỳ ra được 2000 tờ. Báo Cảm tử vẫn tiếp tục ra mắt bạn đọc, gửi cả cho các bộ trưởng thứ trưởng bù nhìn nữa.

Ngày 30.9.1946, đồng chí Lý Chính Thắng bị thương nặng và bị bắt trong một trận càn quét của địch rồi mất tại nhà thương Chợ Rẫy. Đồng chí Nguyễn Lưu lại dời địa điểm làm báo về ấp 10, xã Vĩnh Lộc (Tân Bình) cách nơi đóng quân của địch ở Bà Hom khoảng 1 km. Đồng chí Phạm Văn Tời (Mười Tời) đã cải tiến cách in, thay vỗ bàn chải bằng lăn rulô trên giấy và khuôn chữ, làm cho báo đẹp hơn nhưng chữ mau mòn hơn. Đồng chí Lê Văn Tước, thợ máy, được giao nhiệm vụ lập cơ sở đúc chữ lấy tên là Nguyễn Văn Tư, đặt ở kinh Bà Vụ (rừng tràm, Vườn Thơm-Lý Văn Mạnh). Có chữ mới, báo in càng đẹp. Chữ đúc còn cung cấp cho một số cơ quan ấn loát khác.

Tuy bị khủng bố nhiều lần nhưng nhà in vẫn tồn tại, về sau vẫn in typô bằng cách lăn trục máy in thử (presse à épreuve). Đến những năm 50, báo ghi là Nội san của Liên hiệp Công đoàn Gia Định, ra 8 trang, khổ 25 x 32 cm, do đồng chí Văn Chiêu làm chủ bút kiêm chủ nhiệm.

2. Nhà in báo Chống xâm lăng

Báo Chống xâm lăng do Thành ủy Sài Gòn-Chợ Lớn xuất bản. Tờ báo và nhà in do đồng chí Trịnh Đình Trọng phụ trách. Báo in bằng giấy sáp lúc đầu đóng ở quận 8, sau dời về Láng Le. Nhà in chỉ có 6 người: 2 viết giấy sáp, 2 in và 2 liên lạc. Số đầu tiên ra ngày 1.1.1946 gồm bài của các đồng chí Trịnh Đình Trọng, Nguyễn Mạnh Hoan, Liễu Châun Bạch Đằng. Sau khi đồng chí Trọng được điều về Sở Thông tin Nam Bộ, đồng chí Nguyễn Văn Định (Bảy Định) được cử phụ trách, nhà in dời vô Láng Le.

Năm 1946, Thành ủy giao cho đồng chí Cao Hồng Quý chạy lo lập nhà in typô. Nhờ đồng chí có giấy tờ hợp pháp nên lo mua được máy in, chữ chì, giấy mực đưa về căn cứ và số báo Chống xâm lăng in chữ chì đầu tiên là số kỷ niệm 2 năm Cách mạng Tháng Tám (19.8.1947) bìa in 2 màu vẽ một chiến sĩ ôm súng xung phong. Trong ban biên tập số báo này có các đồng chí Mười Cúc (Nguyễn Văn Linh), Bảy Định.. Nhà in báo Chống xăm lăng còn in tờ Bạn Gái cho Hội Phụ nữ Thành phố và một vài tờ báo khác nữa.

Năm 1949, Pháp càn quét lớn vào khu vực đóng nhà in ở Láng Le nên Thành ủy chủ trương chuyển địa điểm về nội thành. Đồng chí Quý phụ trách bố trí nhà in ở Cây Mai-Chợ Lớn chuyên in tài liệu của Đảng, đến đầu năm 1950 thì bị lộ. Đồng chí Quý chạy thoát rồi lại bị địch bắt khi khẩn trương lo lập nhà in mới.

Một cơ sở in khác của Thành ủy do các đồng chí Xuân, Lăng phụ trách lúc đầu trở về Sài Gòn vẫn in bằng giấy sáp tờ báo Liên Việt, sau đổi là Tổ quốc trên hết do đồng chí Nguyễn Thọ Chân phụ trách. Nhờ sự giúp đỡ của mấy anh em bồi bếp cho quan năm Pháp nên bộ phận in đặt tại một gác lửng trên ga-ra ô tô trong biệt thự của viên sĩ quan này ở đường Testard (nay là Võ Văn Tần). Sáng sớm, thợ in ta đến leo lên gác làm việc đến tối mịt mới về. Cơm nước do anh em bồi bếp giúp đỡ. Về sau, bộ phận in này trang bị bằng chữ chì đặt tại một nhà ở Vườn Lai. Ban biên tập báo gồm các đồng chí Bảy Định và Nam Quốc Cang. Báo in đẹp, ra 4 trang. Sau khi in được 10 số Tổ quốc trên hết và 4 số Pour la Paix (của Đảng Xã hội) thì bị địch bắt. Do khi đào hầm đem đất đi đổ bị lộ nên một người ở nhà đối diện biết, khi bị bắt khai ra và địch khủng bố.

3. Nhà in báo Tiến lên

Thuộc Ty thông tin Sài Gòn-Chợ Lớn đầu kháng chiến (họa sĩ Hồ Văn Lái làm trưởng ty) do các đồng chí Hồng Diệu, Văn Lang phụ trách, đóng tại rừng tràm Hội đồng (Sầm Tân Bửu) in tờ Tiến lên.

4. Nhà in của Ban Tuyên truyền nội thành Sài Gòn

Cuối năm 1945, đồng chí Huỳnh Tấn Phát trong Ban Tuyên truyền nội thành được giao nhiệm vụ mua lại nhà in của giáo sư Nguyễn Duy Cần rồi cho tháo dỡ chở ra một ngôi chùa ở vùng Tân Hóa (Cầu Tre-Phú Lâm), còn máy pê-đan thì chuyển cho nhà in báo Kèn gọi lính ở Chợ Đệm cho đồng chí Trần Bửu Kiếm phụ trách (cơ sở này đã in báo Tiền Phong trước Cách mạng Tháng Tám).

Sau Hiệp định sơ bộ 6.3.1946, nhà in lại trở về nội thành, ở đường Lagrandière (nay là Lý Tự Trọng), sau đó chuyển về đường Boudonnet (nay là Lê Lai) để in truyền đơn bằng chữ chì. Tháng 5.1946, do chủ nhà mua đồ đạc của lính Pháp, bị chúng xét nhà phát hiện ta đang in cờ đỏ sao vàng và nhiều tài liệu khác. Thế là chúng bắt hết nhóm này trong đó có đồng chí Huỳnh Tấn Phát.

5. Nhà in của tỉnh Gia Định

Nhà in do đồng chí Lữ Văn Tám (Tám Gân) phụ trách thuộc Quận bộ Việt Minh Gò Vấp. Đồng chí Tám Gân là thợ sắp chữ, từng làm việc ở các nhà in báo Opinion, La Presse, Le soir d'Asie, Dân báo, Tín Đức thư xã. Đồng chí đã tạo lập được cơ sở in typô với một số chữ chì có sẵn của Quận bộ Việt Minh. Nhà in này về sau trở thành nhà in của Mặt trận Việt Minh tỉnh Gia Định. Năm 1952, đã in tờ báo Cứu Quốc của tỉnh cho đến Hiệp định Genève 1954. Sau đó, các phương tiện in được cất giấu còn cán bộ công nhân viên thì đi tập kết, một số chuyển về địa phương sống hợp pháp trong đó có đồng chí Tám Gân.

6. Nhà in Lê Hồng Phong

Nhà in của Tỉnh bộ Việt Minh Gia Định, lúc đầu đóng ở xã Tân Mỹ (nay là Bình Mỹ-Củ Chi) do đồng chí Quân, thợ sắp chữ của nhà in báo Điện tín Sài Gòn cùng 2 thanh niên mới vào nghề lo việc in ấn. Giữa năm 1947, nhà in này sáp nhập với nhà in của quận Gò Vấp do đồng chí Tám Gân phụ trách, lấy tên là nhà in Lê Hồng Phong, in báo Toàn dân kháng chiến, cơ quan của Liên Việt tỉnh Gia Định. Báo ra 4 trang, mỗi tháng 3 kỳ, khổ nhỏ.

Mùa mưa 1947, sau khi báo ra được 4 số thì nước sông lên cao ngập vào nhà in, phải dời lên An Nhơn Tây-Hóc Môn. Dù có khó khăn, nhà in vẫn in xong số báo đặt biệt 8 trang kỷ niệm ngày sinh của Bác Hồ (19.5.1947). Sau đó, nhà in lại dời đến xóm Trại gần Ban Quân Giới của Trung đoàn 312 và tiếp tục hoạt động.

7. Nhà in Hà Huy Tập

Cuối năm 1948, Mặt trận Liên Việt tỉnh Gia Định xây dựng thêm một nhà in nữa để in sách được đặt tên là nhà in Hà Huy Tập. Nhà in gồm 13 người trong đó có 4 đảng viên và 2 đoàn viên, do đồng chí Tám Gân kiêm phụ trách. Ban Tuyên truyền Hóc Môn cung cấp cho nhà in một số chữ chì để typô. Hai cuốn sách đẹp được in thời gian đầu là Nước Nga sau Cách mạng và Sửa đổi lề lối làm việc của X.Y.Z, (bút danh của Bác Hồ) được Mặt trận Tỉnh khen.

Năm 1951, khi nhà in đặt ở Xóm Trại thì giặc đến đóng bốt ở xã An Nhơn Tây (Hóc Môn) cách nhà in 2 km nên phải dời sang xã Thanh Tuyền (Bến Cát-Thủ Dầu Một), cuối cùng chuyển về vùng núi Bà Đen. ở đây, nhà in phải vừa in ấn sách báo tài liệu, vừa làm nương rẫy tự tục lương thực và vượt khó khăn do cơn bão lụt tàn phá năm 1952 cho đến Hiệp định Genève 1954.

Trên mặt trận đấu tranh công khai ở nội thành Sài Gòn, các tiểu ban lãnh đạo chuyên trách của Ban Tuyên huấn Thành ủy như: báo chí, văn hóa, văn nghệ v.v.. đều có những cơ sở in bí mật bằng phương pháp thủ công: in xu-xoa (in thạch), in litô, in giấy sáp hoặc lợi dụng khả năng công khai hợp pháp để in typô. Các đồng chí Huỳnh Tấn Phát, Vũ Tùng, Mai Văn Bộ, Nguyễn Văn Hiếu .v.v.. trực tiếp chỉ đạo các mặt hoạt động công khai và chăm sóc các bộ phận in ấn.

Cuộc đấu tranh của các nhà in nổ ra vào ngày 23.8.1946, khi báo Justice (Công lý) cơ quan ngôn luận của Chi bộ Nam Kỳ của Đảng Xã hội Pháp (SFIO) lên tiếng kêu gọi thầy thợ lập nghiệp đoàn để có sức mạnh đoàn kết đấu tranh. Báo còn đăng tin tức của Đài Tiếng nói Việt Nam làm cho kẻ địch tức giận nên đã cho lưu manh đến đập phá nhà in Bảo tồn-nơi in báo. Về sau, nhà báo phải mua máy lập nhà in riêng. Tiếp đó, ngày 27.12.1946, các nhà in riêng của các báo Nam Kỳ, Trung lập, nhà in SAPI đều bị chính quyền bù nhìn lục soát mà không nói rõ lý do. Lúc đó, địch còn ra lệnh đình bản 12 tờ báo ở Sài Gòn, làm cho hơn tám chục nhân viên báo và hơn một trăm công nhân in phải đi lang thang kiếm việc.

Tháng 4.1947, sau khi đoàn xe của chính phủ Lê Văn Hoạch bị phục kích ở Giồng Dứa, chính quyền bù nhìn đóng cửa 17 tờ báo đấu tranh cho thống nhất nước nhà với lý do có đăng tin kháng chiến. Tháng 11.1947, chúng lại ra lệnh cấm 13 tờ báo nữa vì đã".. thi hành mạng lịnh của ủy ban tuyên truyền của Cộng sản..". Báo chí bị đình bản cũng là tai họa cho công nhân in. Do đó cuộc đấu tranh trên mặt trận văn hóa đã tập hợp được lực lượng của giới báo chí, xuất bản và công nhân in đòi phải có giấy, đấu tranh để tiếp tục ra báo.v.v..

Công nhân in Sài Gòn đã tham gia kháng chiến bằng nhiều hoạt động khác như: tổ chức in truyền đơn trên các tờ giấy bạc 5 cắc (5 hào) đem rải trên đường, đồng bào lượm công khai mà không sợ địch làm khó dễ; tổ chức in bí mật một số tập thơ kháng chiến như tập Lửa binh của Xuân Miễn sáng tác ở An Phú Đông trong đó có bài An Phú Đông nổi tiếng lưu hành bí mật chuyển vào khu căn cứ cho đồng nghiệp in báo kháng chiến rồi nhận báo về phân phát tận cơ sở..

Công nhân in đã hăng hái tham gia các cuộc đấu tranh công khai đòi dân sinh dân chủ, các ngày lễ quốc tế lao động 1.5, đặc biệt là lễ tang trọng thể nhà báo Nam Quốc Cang bị địch sát hại ngày 6.5.1950. Hầu hết công nhân nhà in nội thành đã cùng hàng vạn đồng bào biến đám tang thành một cuộc biểu dương ý chí căm thù quân cướp nước và bán nước, thương tiếc vô hạn một ký giả đã dũng cảm dùng ngòi bút của mình để đấu tranh cho lợi ích của Tổ quốc và nhân dân.

Có thể nói trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, ngành in Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định dù hoạt động công khai hay bí mật, ở khu căn cứ hay nội thành đã góp phần xứng đáng vào thành quả của cuộc kháng chiến trên mặt trận văn hóa, tư tưởng.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét